Mang thai là một hành trình vô cùng hạnh phúc nhưng cũng không kém phần vất vả, kèm theo đó là những cảm xúc hồi hộp, lo lắng, căng thẳng với bất kì những biểu hiện của thai nhi trong bụng mẹ, đặc biệt là đối với các bà mẹ mang thai lần đầu. Để biết em bé có khoẻ mạnh và phát triển bình thường hay không, mẹ bầu không thể bỏ qua các mốc khám thai quan trọng.
1. Quy trình khám thai
Khám thai định kỳ là việc mà mẹ bầu nên làm khi mang thai. Tại các mốc khám thai này, bác sĩ sản khoa sẽ thực hiện các bước thăm khám, đánh giá sự phát triển của thai nhi và tình trạng sức khoẻ của người mẹ để đưa ra những tư vấn, gợi ý hoặc có những chỉ định phù hợp với tình trạng sức khoẻ của cả mẹ và con.
Những công việc cụ thể mà bác sĩ sẽ thực hiện tại mỗi lần khám thai cho mẹ bầu bao gồm:
– Cân, đo để theo dõi cân nặng của thai phụ trong suốt quá trình mang thai.
– Hỏi về tình hình sức khoẻ của mẹ bầu, về số lần mang thai, về những bệnh lý nền đang có trước khi mang thai và những thuốc đang sử dụng.
– Khám sức khoẻ tổng quát: Theo dõi huyết áp, nhịp tim, tim thai, đo một số chỉ số liên quan.
– Siêu âm: Máy siêu âm sẽ xác định những chỉ số quan trọng của thai nhi như kích thước vòng đầu, vòng bụng, độ mờ da gáy (12 tuần), chiều dài xương đùi, chiều dài xương bàn tay, đường kính lưỡng đỉnh, cân nặng thai nhi, chiều dài thai nhi, kiểm tra chức năng của các hệ cơ quan như tim, phổi, thân, các cơ quan sinh dục…
– Xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm đường huyết, NIPT, double test, triple test… Các loại xét nghiệm quan trọng này được bác sĩ chỉ định tại một số thời điểm cần thiết trong quá trình mang thai.
– Đọc kết quả, tư vấn và chỉ định (nếu có): Bác sĩ căn cứ vào kết quả khám tổng quát, kết quả siêu âm và kết quả xét nghiệm để phân tích cho mẹ bầu và đưa ra những tư vấn hoặc có chỉ định (sử dụng thuốc, lưu ý đặc biệt đối với thai nhi) cho mẹ bầu.
– Hẹn tái khám lần sau.
2. Tầm quan trọng của việc khám thai định kỳ
Khám thai định kỳ mang lại nhiều giá trị hơn các mẹ bầu thường nghĩ. Việc khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ giúp:
- Phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe: Việc siêu âm, khám sức khoẻ tổng quát và thực hiện các xét nghiệm giúp các bác sĩ phát hiện các vấn đề liên quan đến sức khoẻ của cả mẹ và thai nhi như bệnh tiểu đường, huyết áp cao, nhiễm trùng, và các vấn đề khác. Việc phát hiện sớm giúp các bác sĩ có thể đưa ra phương án điều trị sớm nhất có thể, giảm nguy cơ cho cả mẹ và thai nhi.
- Theo dõi tình trạng thai nhi: Mẹ bầu có thể biết được sự tăng tưởng của thai khi so với các mốc khám thai trước đó. Các bác sĩ cũng sẽ thông báo cho người mẹ biết em bé có đang phát triển bình thường theo tuần tuổi hay không. Một số tình trạng của thai nhi như dây rốn quấn cổ, mức độ canxi hoá bánh rau, mức độ thiếu/dư ối, tình trạng thai nhi xoay đầu, vấn đề cân nặng (thiếu cân, thừa cân)…từ đó đưa ra những hướng dẫn giúp người mẹ có thể điều chỉnh một số hành động hoặc trấn an để người mẹ không cần phải lo lắng trong quá trình mang thai.
- Nhận thông tin về thai kỳ: Thông thường, ở mỗi lần khám thai, các bác sĩ sẽ cung cấp cho người mẹ những thông tin cần thiết về thai kỳ như sự phát triển của thai nhi theo tuần thai, những thay đổi trên cơ thể người mẹ, những lưu ý về chế độ dinh dưỡng trong quá trình mang thai, lời khuyên tốt nhất cho việc vận động, ăn, ngủ, lối sống lành mạnh. Thêm vào đó, những thắc mắc của mẹ bầu trong quá trình mang thai cũng sẽ được giải đáp.
- Mang đến niềm vui, tạo sự gắn kết giữa mẹ và em bé: Mẹ bầu nào cũng mong ngóng đến ngày khám thai tiếp theo để được gặp em bé của mình. Sau mỗi lần khám, được biết con phát triển bình thường, được nhìn thấy hình ảnh em bé trên máy và trên phiếu siêu âm giúp người mẹ có thêm niềm vui. Từ đó, tình cảm dành cho em bé sẽ ngày một lớn dần lên. Khám thai định kỳ giúp cho hành trình mang thai và sinh nở của người mẹ diễn ra một cách thú vị hơn.
3. Chi phí mỗi lần khám thai định kỳ
Rất nhiều mẹ bầu quan tâm đến chi phí khám thai định kỳ. Tuy nhiên, mức phí này phụ thuộc vào nơi các mẹ lựa chọn khám (bệnh viện công, bệnh viện tư nhân, phòng khám,…) và các dịch vụ khám (khám, siêu âm, xét nghiệm).
Thông thường, những dịch vụ mẹ bầu cần thực hiện sẽ có mức phí tương ứng. Tổng số tiền phải bỏ ra cho mỗi lần khám là tổng số tiền chi trả cho các dịch vụ của lần khám đó. Số tiền này có thể bao gồm:
- Phí khám bệnh ban đầu: Ở viện công, nếu mẹ sử dụng bảo hiểm y tế, mức phí khám bệnh này có thể chỉ mất từ 50.000đ – 100.000đ. Ở viện tư nhân hoặc bệnh viện Quốc tế, mức phí này dao động từ 200.000 – 400.000đ. Tại các phòng khám, thông thường mẹ bầu sẽ được miễn phí khám bệnh và chỉ mất phí siêu âm, phí xét nghiệm.
- Phí siêu âm: Chi phí siêu phụ thuộc vào loại siêu âm và nơi siêu âm. Hiện nay, chất lượng siêu âm càng ngày càng cao và hình ảnh siêu âm vô cùng sắc nét. Mức phí siêu âm cụ thể cho mỗi loại như sau:
+ Siêu âm 2D (Hình ảnh đen – trắng): Chi phí dao động từ 150.000 – 250.000đ tuỳ nơi siêu âm (bệnh viện công, phòng khám, bệnh viện tư nhân).
+ Siêu âm màu 3D-4D: Chi phí dao động từ 300.000 – 500.000đ.
+ Siêu âm màu 5D: Đây là loại siêu âm chất lượng cao nhất cho đến nay. Vì vậy chi phí cũng cao hơn cả, từ 400.000 – 600.000đ.
- Phí xét nghiệm: Đối với mẹ bầu có thai kỳ khoẻ mạnh, thông thường sẽ cần thực hiện các loại xét nghiệm như double test hoặc triple test (chi phí từ 400.000đ – 600.000đ), xét nghiệm sàng lọc không xâm lấn NIPT (chí phí tuỳ nơi, dao động từ 3.000.000đ – 10.000.000đ), xét nghiệm máu (công thức máu, nhóm máu, viêm gan A,B,C, xét nghiệm HIV, lậu, giang mai…) và xét nghiệm tiểu đường thai kì (chi phí dao động từ 300.000 – 2 triệu đồng tuỳ loại xét nghiệm).
- Chi phí tiêm chủng: Trong quá trình mang thai, người mẹ được khuyến nghị tiêm phòng uốn ván và tiêm phòng cúm. Chi phí tiêm phòng phụ thuộc vào loại thuốc mẹ bầu sử dụng và có thể còn phụ thuộc vào số lần mang thai (riêng đối với tiêm phòng uốn ván, mẹ bầu mang thai lần 2, thời gian giữa 2 lần sinh không cách nhau quá 5 năm sẽ chỉ cần tiêm 1 mũi, mẹ bầu mang thai lần đầu cần tiêm 2 mũi). Chi phí tiêm phòng uốn ván dao động từ 100.000đ – 150.000đ, tiêm phòng cúm khoảng 300.000đ.
4. 10 mốc khám thai định kỳ
Dưới đây là 10 mốc khám thai mà mẹ bầu nên biết để theo dõi sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của chính mình.
4.1. Khám thai lần đầu (5 – 8 tuần)
Lần khám đầu tiên thường diễn ra khi thai nhi được khoảng 5 – 8 tuần tuổi (tính từ ngày đầu của kỳ kinh cuối). Mục đích của lần khám thai đầu tiên này là:
– Siêu âm để: Xác định thai nhi đã vào tổ hay chưa và theo dõi tim thai.
– Đánh giá sức khoẻ tổng quát của người mẹ và những thông tin liên quan: Số lần mang thai, hình thức sinh con của lần sinh trước đó (sinh thường hay sinh mổ), chiều cao, cân nặng, huyết áp, nhịp tim, tiền sử bệnh, quá trình sử dụng thuốc, những vấn đề sức khoẻ khác trong quá trình mang thai.
– Tư vấn và giải đáp những vấn đề liên quan trong quá trình mang thai.
4.2. Khám thai lần hai (11 – 13 tuần)
Đây là mốc khám thai vô cùng quan trọng, mẹ bầu không nên bỏ qua. Ở lần khám thai này, ngoài việc khám lâm sàng ban đầu, bác sĩ sẽ chỉ định:
– Siêu âm để đo độ mờ da gáy của thai nhi nhằm chẩn đoán tình trạng mắc hội chứng Down bẩm sinh. Đây là lần khám đầu tiên mẹ bầu có thể được nhìn thấy em bé rõ nét hơn qua hình ảnh siêu âm 3D hoặc 4D.
– Làm xét nghiệm Double Test (chẩn đoán nguy cơ mắc hội chứng Down) hoặc NIPT (chẩn đoán nguy cơ mắc hội chứng Down hoặc các bất thường về NST).
– Tư vấn các loại vitamin, các loại thực phẩm cần bổ sung trong quá trình mang thai.
4.3. Khám thai lần ba (16-18 tuần)
Lần khám thứ ba thường được bác sĩ chỉ định vào tuần thứ 16 – 18. Quy trình khám thai cũng sẽ bao gồm khám lâm sàng, siêu âm và tư vấn sau khi có kết quả.
Nếu mẹ bầu chưa kịp thực hiện xét nghiệm Double test ở tuần 12, thì tuần 16 sẽ được bác sĩ tư vấn làm xét nghiệm sàng lọc Triple test để chẩn đoán nguy cơ mắc bệnh Down và các bất thường NST ở thai nhi.
4.4. Khám thai lần bốn (20-24 tuần)
Lần khám thứ tư được thực hiện khi thai nhi được 20 – 24 tuần, thông thường là mốc 22 tuần. Tại lần khám này, các bác sĩ sẽ kiểm tra hình thái thai nhi và các dị tật bẩm sinh ở một số cơ quan như tim, phổi; phát hiện các dấu hiệu bất thường như hở hàm ếch, sứt môi…
Thời điểm này, tại một số bệnh viện các bác sĩ có thể chỉ định để mẹ bầu xét nghiệm công thức máu cơ bản nhằm xác định tình trạng thiếu máu thai kì và một số dấu hiệu khác, từ đó đưa ra những lời khuyên hoặc phương pháp hỗ trợ sức khoẻ mẹ bầu trong quá trình mang thai.
Mẹ bầu cũng có thể nhìn rõ hơn gương mặt của em bé qua hình ảnh siêu âm 3D hoặc 4D.
4.5. Khám lần thứ năm (24-28 tuần)
Đây là mốc khám thai quan trọng vì ngoài những bước khám cơ bản, bác sĩ sẽ chỉ định cho mẹ thực hiện nghiệm pháp dung nạp đường để xác định nguy cơ tiểu đường thai kỳ. Mẹ bầu sẽ được cấp 1 chai đường để uống và thực hiện lấy máu 3 lần (lần đầu trước khi uống đường, lần 2 sau uống đường 1h, lần 3 sau khi uống đường 2h). Mẹ bầu sẽ được nhắc nhở không được ăn uống bất cứ thứ gì ít nhất khoảng 8 tiếng trước và trong quá trình lấy máu kiểm tra.
Tuần thai này cũng là thời điểm thích hợp nhất để mẹ bầu tiêm vắc xin uốn ván mũi đầu tiên để đảm bảo sức khoẻ trong quá trình mang thai và sinh con.
4.6. Khám thai lần thứ sáu (30 – 32 tuần)
Thời điểm này, thai nhi có thể xuất hiện những dấu hiệu bất thường muộn như chậm phát triển, đường ruột tắc, các vấn đề về tim thai, thính lực… Vì vậy, giai đoạn này các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra kĩ hơn các chỉ số có liên quan như dopper động mạch rốn và não của thai nhi, động mạch tử cung của người mẹ.
Đây cũng là thời điểm thai nhi bắt đầu xoay ngôi và một số em bé đã bắt đầu cố định ngôi thai để chuẩn bị cho hành trình chào đời thú vị của mình.
Mẹ bầu cũng sẽ được tiêm mũi 2 (nếu cần) ở thời điểm này. Đây có thể là lần siêu âm thai 4D cuối cùng. Lúc này, em bé trên máy siêu âm đã có gương mặt đầy đặn, xinh xắn và gần giống với lúc chào đời.
4.7. Khám thai lần thứ bảy (36 tuần)
Trong các lần khám thai thì đây có lẽ là lần khám quan trọng và nhiều thủ tục nhất. Lý do bởi vì mẹ sẽ phải chuẩn bị các thủ tục và làm hồ sơ trước khi ở tuần thai thứ 36. Mẹ bầu cần chuẩn bị một số giấy tờ như căn cước công dân, sổ hộ khẩu, các loại bảo hiện hiện có, giấy tờ khám thai ở những tuần thai quan trọng. Khi vào khám, mẹ cần khai những thông tin cá nhân và những thông tin liên quan đến quá trình mang thai, sau đó được hướng dẫn khám những hạng mục cần thiết như đo nhịp tim, huyết áp, đo chiều cao cân nặng, siêu âm thai, thực hiện các xét nghiệm cần thiết, khám với bác sĩ gây mê/gây tê, chạy monitor kiểm tra nhịp tim thai nhi. Sau khi hoàn thiện tất cả các bước khám trước đó, mẹ bầu sẽ quay trở về phòng khám ban đầu để nhận tư vấn chuẩn bị sinh nở của bác sĩ sản khoa.
4.8. Khám thai lần thứ tám, chín (38, 39 tuần)
37 tuần trở đi là thời điểm thai nhi được coi là đủ ngày đủ tháng và sẵn sàng chào đời bất cứ lúc nào. Chính vì vậy, mẹ bầu được khuyên nên tới phòng khám sản phụ khoa hoặc bệnh viện để khám thai 1 tuần 1 lần nhằm kiểm tra các dấu hiệu chuẩn bị sinh nở và theo dõi tình trạng thai nhi những ngày cuối cùng trước sinh.
Ở tuần thai này, các bác sĩ sẽ tiến hành khám, kiểm tra tổng quát tình trạng sức khoẻ của người mẹ. Siêu âm để đánh giá vị trí ngôi thai, ước lượng cân nặng thai nhi, đo chiều dài tử cung và xương chậu của người mẹ, tiên lượng phương pháp sinh nở phù hợp. Một việc làm vô cùng quan trọng mà các bác sĩ không bao giờ bỏ qua đó là đo Monitor để kiểm tra tình trạng tim thai và độ ổn định của thai nhi.
Sau khi khám thai, bác sĩ sẽ hướng dẫn người mẹ cách theo dõi những dấu hiệu của việc chuyển dạ và lưu ý những ngày cuối cùng của thai kỳ.
4.9. Khám thai lần cuối cùng trước sinh (lần 10)
Khi có dấu hiệu chuyển dạ, mẹ bầu được đưa vào bệnh viện và tại đây, các bác sĩ sẽ tiến hành khám lần cuối cùng trước khi mẹ bầu lên bàn sinh để chuẩn bị chào đón em bé của mình.
Trước tiên, các bác sĩ sẽ tiến hành khám cổ tử cung để xác định độ mở của tử cung và những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình sinh nở như độ mềm, độ xoá, độ lọt ngôi thai, vị trí thai nhi… Em bé có thể chào đời bằng phương pháp sinh thường nếu tử cung có thể mở 10cm và tất cả các yếu tố khác đều thuận lợi.
5. Những lưu ý khi đi khám thai
Để việc khám thai diễn ra thuận lợi và đạt hiệu quả cao nhất, mẹ bầu cần có một số lưu ý như sau:
- Trang phục: Nên mặc trang phục thoải mái, gọn gàng khi đi khám thai. Tốt nhất, mẹ bầu nên lựa chọn váy co giãn hoặc quần co giãn kết hợp áo bầu để thuận tiện cho quá trình khám thai và di chuyển. Trong quá trình mang thai, để đảm bảo an toàn cho thai nhi, mẹ bầu nên lựa chọn giày, dép bệt và có độ bám dính tốt để chống trơn trượt, hạn chế những nguy hiểm cho cả mẹ và con.
- Ăn và uống: Đối với những mốc khám thai bình thường và không có chỉ định đặc biệt (xét nghiệm máu, xét nghiệm đường huyết), mẹ bầu chú ý ăn uống đầy đủ và đúng giờ. Đối với yêu cầu xét nghiệm đường huyết, mẹ bầu cần thực hiện đúng hướng dẫn của bác sĩ, nhịn ăn đủ 8 tiếng trước khi xét nghiệm và nên đi khám vào buổi sáng.
- Hồ sơ, giấy tờ: Nên chuẩn bị những hồ sơ, giấy tờ cần thiết vào các thời điểm quan trọng như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội hoặc bảo hiểm nhân thọ; sổ hộ khẩu; căn cước công dân của người mẹ… Mẹ bầu cần chú ý giữ lại những phiếu khám, phiếu siêu âm để có thể sử dụng cho những lần khám tiếp theo (nếu cần). Các loại bảo hiểm có thể cần sử dụng tại các thời điểm khám và quá trình đi sinh.
- Tâm lý khi đi khám: Mẹ bầu nên giữ tâm lý vui vẻ, thoải mái để bé yêu cũng cảm thấy phấn khích và có những tấm hình đẹp nhất trên máy siêu âm. Đặc biệt là những tuần thai siêu âm bằng máy 3D, 4D, 5D.
- Thời gian khám: Lưu ý các mốc khám thai theo chỉ định của bác sĩ và đi khám đúng lịch hẹn. Như vậy, mẹ bầu sẽ không bỏ qua những xét nghiệm hoặc các bước thăm khám quan trọng như đo độ mờ da gáy, xét nghiệm tiểu đường thai kì, tiêm phòng uốn ván, xét nghiệm double test, triple test… Những yêu cầu xét nghiệm và các bước thăm khám này chỉ được thực hiện trong khoảng thời gian nhất định, do đó mẹ bầu chớ nên để lỡ lịch khám nhé.
Việc theo dõi sức khỏe qua các mốc khám thai định kỳ là vô cùng quan trọng. Các thời điểm khám thai được đưa ra theo lịch hẹn của bác sĩ đều có mục đích rõ ràng giúp theo dõi và kiểm tra tình trạng của thai nhi để phát hiện những bất thường trong quá trình mang thai hoặc những điều cần lưu ý cho sức khoẻ của cả hai mẹ con. Vì vậy, mẹ bầu nên cố gắng thăm khám đầy đủ và đúng lịch hẹn của bác sĩ nhé.