5 yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ

Những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ bao gồm: Yếu tố di truyền, chế độ dinh dưỡng, hoạt động thể dục thể thao, thói quen sống hàng ngày và môi trường sống. Những yếu tố này có vai trò quan trọng như nhau và quyết định rất lớn đến chiều cao của trẻ lúc trưởng thành.

Theo nghiên cứu khoa học, sự phát triển chiều cao của trẻ bị ảnh hưởng khoảng 23% do yếu tố di truyền, 32% là do dinh dưỡng, 20% do chế độ vận động và luyện tập, 25% còn lại là do lối sống và môi trường sống quyết định. Điều này giải thích vì sao có những trẻ rất cao trong khi cha mẹ chúng chỉ có chiều cao trung bình. Điểm mấu chốt ở đây là trẻ được chăm sóc với chế độ dinh dưỡng cân đối, lối sống lành mạnh và thường xuyên tập luyện thể thao.

Do đó, nếu muốn con có chiều cao tốt, trong khi bản thân cha mẹ chưa thực sự cao lớn thì cũng hãy yên tâm và tập trung vào những yếu tố còn lại. Để hiểu rõ hơn về mức độ ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ, hãy cùng chieucaocannang.vn tìm hiểu cha mẹ nhé.

1. Yếu tố di truyền ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ

Như đã phân tích ở trên, yếu tố di truyền có ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ (khoảng 23%). Điều này có nghĩa là cha mẹ cao lớn thì khả năng con sẽ cao lớn và ngược lại. Tuy nhiên, vì tỷ lệ ảnh hưởng của yếu tố này không cao, do đó cha mẹ thấp vẫn có thể có những đứa con cao lớn vượt trội. Đó chính là tác động vào những yếu tố còn lại (chế độ dinh dưỡng, luyện tập thể thao, rèn luyện lối sống lành mạnh).

Một điều nữa mà cha mẹ cần biết rằng, yếu tố di truyền không chỉ đơn thuần là truyền từ cha mẹ sang con, mà còn là những biến thể hoặc rối loạn trong gen di truyền trong giai đoạn hình thành bào thai.

Ví dụ, một số biến thể gene gây ra tình trạng rối loạn tăng trưởng như FGFR 3 gây chứng rối loạn sản sụn xương (rối loạn tăng trưởng xương, xương yếu, dễ gãy); FBN1 gây hội chứng Marfan (cao, gầy, chân tay dài bất thường, ngón tay, ngón chân dài không cân đối, xương ức lồi ra hay lõm vào, xương sống cong, khớp lỏng lẻo, bàn chân lớn và phẳng, cận thị nặng), loạn sản acromicric, loạn sản geleophysic;…

Điều đáng nói ở đây là mặc dù yếu tố di truyền có ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ nhưng không thể tác động được.

2. Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ

Chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng và ảnh hưởng nhiều nhất đến tốc độ tăng trưởng và sự phát triển chiều cao của trẻ.

Muốn con cao lớn, phát triển tốt cha mẹ hãy cung cấp một chế độ dinh dưỡng cân đối, đảm bảo bữa ăn của trẻ có đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng cần thiết như nhóm chất bột đường, nhóm chất đạm, nhóm chất béo, các vitamin và khoáng chất.

Trong đó, để xương của trẻ chắc khoẻ và cơ thể tăng trưởng tốt thì canxi, vitamin D, vitamin K là những chất cần tăng cường cho trẻ nhiều hơn. Những chất này thường có trong thịt, cá, trứng, sữa, đậu nành, chuối, các loại hạt, rau, củ, quả, ngũ cốc… Cần xây dựng cho trẻ một chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế đồ ăn chiên rán, đồ ăn không tốt cho sức khoẻ.

Ngoài những kiến thức khoa học về các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể trẻ, cha mẹ cũng cần nắm rõ những thời điểm mà trẻ phát triển chiều cao mạnh mẽ nhất trong cuộc đời để có phương pháp tác động phù hợp.

Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hai thời điểm chiều cao tăng trưởng tốt nhất là giai đoạn từ trong bài thai đến trước 2 tuổi (giai đoạn 1000 ngày đầu đời) và giai đoạn tuổi dậy thì. Đến khi trẻ tròn 3 tuổi, trẻ đạt được 54% chiều cao tối đa, khoảng 32% chiều cao tối đa vào tuổi 12 và 14% còn lại vào tuổi 18. Bởi vậy, trước 12 tuổi được xem là “lứa tuổi vàng”, quyết định rất lớn đến thể chất và trí tuệ của mỗi con người.

Giai đoạn 1000 ngày đầu đời: 1000 ngày đầu đời được tính từ lúc trẻ trong bào thai đến khi trẻ tròn 2 tuổi. Đây là giai đoạn vàng phát triển chiều cao và thể chất. Năm đầu tiên trẻ có thể cao lên 25cm và tăng 10cm/năm cho 2 năm tiếp theo. Đặc biệt trong năm đầu tiên từ khi trẻ sinh ra, chiều cao có thể tăng gấp rưỡi chiều dài lúc mới sinh.

Các chuyên gia cho rằng muốn biết lúc trưởng thành trẻ cao bao nhiêu, hãy nhìn vào chiều cao của trẻ lúc tròn 2 tuổi. Cha mẹ chỉ cần lấy chiều cao của trẻ lúc này nhân đôi, sẽ ra chiều cao của con khi trưởng thành.

Vậy muốn con 2 tuổi cao nhất có thể, các mẹ lưu ý hãy tự bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho bản thân trong quá trình mang thai và 6 tháng đầu sau sinh. Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, bổ sung các loại vitamin và khoáng chất theo lời khuyên của bác sĩ, đặc biệt là canxi. Khi sinh con, cố gắng cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài cho trẻ bú mẹ đến 2 tuổi.

Đối với trẻ, khi con sinh ra, hãy tăng cường cho con tắm nắng và sử dụng các loại vitamin D, vitamin K2 để cơ thể của con tăng khả năng hấp thụ canxi. Từ giai đoạn ăn dặm trở đi, cha mẹ cho con ăn đầy đủ các thực phẩm để cung cấp lượng canxi cần thiết cho sự phát triển chiều cao của con. Đối với trẻ nhỏ, nhu cầu canxi là 1-1.3g/ngày, với lượng này con chỉ cần uống sữa cùng các bữa ăn hàng ngày là thu nạp đủ (trẻ trên 1 tuổi có thể uống sữa tươi).

Giai đoạn dậy thì: Giai đoạn này trẻ tăng trưởng nhanh cả về chiều cao và cân nặng. Trẻ có thể tăng 10 – 15cm/năm và mức tăng sẽ giảm dần sau đó. Thời gian phát triển chiều cao mạnh nhất của trẻ là từ 8 – 17 tuổi, trong đó nữ giới phát triển chiều cao mạnh nhất từ 10 – 12 tuổi, nam giới từ 12 – 14 tuổi. Vai trò của khẩu phần ăn rất quan trong đối với sự phát triển cơ thể của trẻ trong giai đoạn này.

Các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ gồm protein, đạm, sắt, canxi, vitamin A,D,K2, iot và kẽm. Đối với trẻ ở lứa tuổi này có thể ăn đa dạng các loại thực phẩm (nếu không bị dị ứng). Vì vậy, cha mẹ hãy khuyến khích con ăn đủ chất, đủ lượng và ăn đa dạng các loại thực phẩm để cơ thể tăng trưởng tốt nhất. Đây cũng chính là cơ hội cuối cùng để khắc phục các tình trạng chậm phát triển do thiếu dinh dưỡng ở các giai đoạn trước.

chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ
chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ

3. Luyện tập thể dục thể thao ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ 

Vận động thể thao không chỉ khiến cho hormone tăng trưởng tiết ra nhiều hơn, giúp xương dài ra, phát triển sụn khớp…mà còn thúc đẩy quá trình trao đổi chất, hạn chế béo phì. Chơi thể thao cũng giúp làm tăng mật độ khoáng trong xương và tỉ lệ cơ nạc trong cơ thể, giúp trẻ khoẻ mạnh và linh hoạt hơn. Vận động ngoài trời giúp trẻ trở nên vui vẻ, sảng khoái, tiêu hoá tốt và học tập hiệu quả hơn.

Vậy chơi môn thể thao nào giúp trẻ cao lớn? Câu trả lời là những môn kích thích kéo dãn cơ thể đều tốt cho chiều cao như bơi, bóng rổ, bóng chuyền, xà đơn, nhảy dây, đạp xe, yoga, chạy bộ, leo cầu thang,… đều được, quan trọng là phải được tập đều đặn hàng ngày.

Đối với những trẻ quá nhỏ chưa thể chơi được thể thao thì có thể cho con vận động, chơi các trò chơi khác. Khi cơ thể vận động sẽ kích thích các cơ quan phát triển, quá trình chuyển hoá diễn ra suôn sẻ hơn, các vitamin và khoáng chất dung nạp vào cơ thể sẽ có cơ hội để được thực hiện đúng vai trò của nó.

Tập luyện thể thao giúp trẻ cao lớn

4. Lối sống lành mạnh ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ

Theo khoa học và các y bác sĩ hàng đầu thế giới khuyến cáo, giấc ngủ có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển chiều cao của một đứa trẻ. Vậy ngủ như thế nào để cao lớn cũng là một vấn đề mà các cha mẹ cần hiểu rõ. Nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng hormone phát triển chiều cao được sản sinh trong lúc ngủ. Trẻ cần được ngủ đủ và sâu giấc để kích thích hormone tăng trưởng tiết ra nhiều hơn.

Thông thường, trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi ngủ 14-17h/ngày; trẻ từ 3-11 tháng tuổi ngủ 12-17h/ngày; trẻ mới biết đi từ 1-2 tuổi ngủ 11-14h/ngày; trẻ nhỏ từ 3-5 tuổi ngủ 10-13h/ngày; trẻ em từ 6-13 tuổi ngủ 9-11h/ngày.

Thời điểm hormone tăng trưởng sản sinh mạnh mẽ nhất từ 22h đêm đến 12h trưa ngày hôm sau. Thông thường trẻ cần mất 30 phút để đi vào giấc ngủ sâu. Do đó, thời điểm hợp lý nhất để bắt đầu một giấc ngủ ban đêm là trước 21h.

Ngoài việc chú ý đến thời lượng, cha mẹ cần đảm bảo chất lượng giấc ngủ cho trẻ. Cần tạo không gian thoải mái, yên tĩnh và loại bỏ những yếu tố bất lợi để trẻ có giấc ngủ sâu giúp chiều cao phát triển vượt trội. Bên cạnh đó, hãy rèn cho con thói quen đi ngủ đúng giờ quy định để trẻ có thể đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn.

Ngoài giấc ngủ, cha mẹ cũng cần chú ý đến các thói quen sống hàng ngày như ăn uống đúng giờ và khoa học. Các bữa ăn không quá gần hoặc xa nhau. Không nên cho con xem TV, điện thoại trong bữa ăn để cơ thể có thể hấp thụ thức ăn hiệu quả nhất, tránh gây áp lực lên hệ tiêu hoá và các cơ quan trong cơ thể.

5. Môi trường sống ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ

Những tác động từ môi trường sống như không khí, dịch bệnh, thuốc và tác động từ những người xung quanh có thể khiến chiều cao của trẻ bị ảnh hưởng.

Ô nhiễm môi trường (không khí, nước, tiếng ồn) có thể khiến trẻ mắc một số bệnh về đường hô hấp, trẻ ốm, yếu, ăn kém dẫn đến kém hấp thụ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển chiều cao.

Trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, bệnh đường ruột hoặc sử dụng kháng sinh liều cao trong thời gian dài, sử dụng thuốc không đúng cách khiến cơ thể không khoẻ mạnh, các cơ quan suy yếu, sự tăng trưởng của trẻ bị chậm lại.

Ngoài ra, các yếu tố khác môi trường sống không lành mạnh (hút thuốc thụ động, lối sống thiếu khoa học), điều kiện sống thiếu thốn cũng ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất nói chung và chiều cao của trẻ nói riêng.

Đọc thêm: Những việc không nên làm nếu muốn con cao lớn vượt trội

Tháp dinh dưỡng hoàn hảo giúp trẻ cao lớn, khoẻ mạnh

Top 10 môn thể thao giúp trẻ cao lớn

5/5 - (2 bình chọn)
Ths NTTLieu
Ths NTTLieuhttps://chieucaocannang.vn/tacgia/thuylieuske/
Xin chào, mình là Ths NTT Liễu, chuyên gia trong lĩnh vực trẻ em, người đứng sau Blog này. Chieucaocannang.vn sẽ mang đến cho các bạn chi tiết các update mới nhất từ WHO về các chỉ số chiều cao và cân nặng của trẻ cũng như các kiến thức về chăm sóc, nuôi dạy con được chọn lọc giới thiệu!
Bài viết liên quan
Phản hồi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài mới